CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG 

BỆNH THỦY ĐẬU

BSCKI. Lê Thị Thúy Quỳnh

Khoa Y Học Nhiệt đới - BV Phụ Sản Nhi Đà Nẵng

 

Thủy đậu hay còn gọi là “Trái rạ” là bệnh do virus Varicella Zoster gây nên. Cả người lớn và trẻ em đều rất dễ mắc bệnh nếu như trong cơ thể chưa có kháng thể chống lại virus. Nguy hiểm hơn là bệnh Thủy đậu có thể gây biến chứng nguy hiểm cho mọi lứa tuổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 4000 ca mắc thủy đậu, tại Hà Nội có trên 1400 ca mắc, tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tại các tỉnh phía Nam, mặc dù chưa có ca tử vong nào do bệnh thủy đậu, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo số ca mắc thủy đậu đang có xu hướng tăng cao.

Chính vì vậy phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh thủy đậu và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, theo dõi, điều trị. Đồng thời cần hiểu biết về các biện pháp phòng bệnh thủy đậu để bảo vệ cho trẻ cũng như hạn chế lây lan cho trẻ khác.

  1. Bệnh Thủy đậu thường gặp ở những trẻ nào?

     Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là trẻ em từ 2- 8 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung như siêu thị, khu vui chơi là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

  1. Bệnh Thủy đậu lây lan như thế nào?

Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây nhiễm từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được bắn ra từ đường hô hấp khi ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng hoặc lây qua dụng cụ tiếp xúc như sàn nhà, tay vịn cầu thang, dụng cụ, đồ chơi của trẻ hoặc lây do dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt hoặc do ăn uống chung với người đang bị thủy đậu…

  1. Dấu hiệu nhận biết bệnh Thủy đậu?

Sốt và nổi ban mụn nước toàn thân (với tính chất nhiều lứa tuổi, ngứa nhiều) là 2 dấu hiệu đặc trưng của bệnh.

  1. Các biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh Thủy đậu?
  • Nhiễm trùng da: Biến chứng hay gặp nhất là gây nhiễm trùng da nơi mọc bỏng nước và sẽ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh làm mất thẩm mỹ cho người bệnh. Nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
  • Viêm phổi.
  • Viêm thận, viêm cầu thận cấp.
  • Zona thần kinh: là kết quả của sự tái hoạt động của virus Thủy đậu (Varicella - zoster virus). Bệnh thường xảy ra trong nhiều năm sau lần bị bệnh thủy đậu ban đầu và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm kết mạc, giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu - trực tràng, liệt mặt, viêm não, màng não. Tất cả các biến chứng này đều rất nguy hiểm. 
  1. Trẻ bị mắc Thủy đậu bao nhiêu lần?

Bệnh Thủy đậu có miễn dịch bền vững nên hầu như rất hiếm khi mắc lại lần hai.

  1. Phòng bệnh Thủy đậu bằng cách nào?
  • Rửa tay bằng xà phòng.
  • Vệ sinh sàn nhà, vật dụng nhà cửa, đồ chơi...
  • Cách ly trẻ bệnh.
  • Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả, đạt đến 88-98%.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi.

Mũi 1: là mũi tiêm đầu tiên

Mũi 2: sau mũi 1 là 3 tháng, hoặc khuyến cáo mũi 2 lúc trẻ 4-6 tuổi.

  • Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.

​​​​​​​

 

Ngày đăng: 25/08/2023