TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG KỸ THUẬT VI PHẪU LẤY TINH TRÙNG TỪ MÀO TINH VÀ TINH HOÀN
TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG KỸ THUẬT VI PHẪU LẤY TINH TRÙNG TỪ MÀO TINH VÀ TINH HOÀN
Ngày 19/8/2023, Khoa Hiếm Muộn BV Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đã triển khai kỹ thuật vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh (MESA) và từ tinh hoàn (micro TESE) cho 3 bệnh nhân vô tinh.Kết quả cả 3 trường hợp đều thành công tìm thấy tinh trùng- đủ trữ đông và phục vụ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF- ICSI) về sau.
- Vô tinh là gì?
Vô tinh được hiểu là không tìm thấy tinh trùng trong mẫu tinh dịch sau xuất tinh, với tỷ lệ mắc ở 1% nam giới nói chung và khoảng 10 -15% trong nhóm bệnh nhân vô sinh nam. Trước đây, với những trường hợp mắc vô tinh đều phải xin tinh trùng hoặc xin con nuôi. Nhưng giờ đây, với sự phát triển vượt bậc của ngành hỗ trợ sinh sản (HTSS) đã giúp các bệnh nhân có cơ hội được làm cha đẻ nếu được phẫu thuật tìm tinh trùng thành công và sau đó tinh trùng được sử dụng để thụ tinh ống nghiệm (IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Mặc dù, các kỹ thuật cổ điển tìm trùng từ mào tinh (PESA) và từ tinh hoàn (TESA, TESE) mang lại nhiều kết quả tốt, nhưng vẫn có những điểm hạn chế nhất định. Chính vì vậy, Khoa Hiếm Muộn Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai kỹ thuật tìm tinh trùng này dưới góc nhìn của kính vi phẫu nhằm mang lại tỷ lệ tìm được tinh trùng cao, chất lượng tốt và ít để lại tổn thương nhất cho bệnh nhân.
Hình ảnh thực hiện kỹ thuật vi phẫu lấy tinh trùng tại phòng Phẫu thuật
2. Kỹ thuật vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh (MESA) và từ tinh hoàn (micro TESE) thực hiện như thế nào?
Kỹ thuật hiện đại phân mô tinh hoàn và mào tinh để trích tinh trùng cho bệnh nhân vô tinh, thay thế cho phương pháp cổ điển là chọc hút PESA hay kỹ thuật TESE – phân mô tinh hoàn. Được thực hiện với sự trợ giúp của kính vi phẫu, nên MicroTESE là lựa chọn tối ưu cho những ca vô tinh không do tắc, giúp tìm được những ống sinh tinh có thể còn sinh tinh, hạn chế sang chấn và tránh phá hủy chức năng tinh hoàn, tăng khả năng tìm thấy tinh trùng để thực hiện ICSI so với kỹ thuật TESE thường quy. Việc trích lấy tinh trùng từ sâu bên trong mô tinh hoàn của người bệnh nhằm phục vụ cho việc thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hay Tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI). Kỹ thuật này được đánh giá cao về ưu điểm vượt trội so với các phương pháp lấy tinh trùng trước đây. Với những trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì MicroTESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh.
MicroTESE được thực hiện trong phòng phẫu thuật với sự hỗ trợ của kính vi phẫu và phương pháp gây mê toàn thân. Quá trình vi phẫu thuật mất khoảng từ 1 – 4 giờ.
3. Các biến chứng thường gặp?
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro, biến chứng. Với vi phẫu thuật tinh hoàn MicroTESE, các chuyên gia nhận thấy có những rủi ro như sau:
- Cảm giác đau đớn, khó chịu ở tinh hoàn và bìu
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng
- Giảm nồng độ nội tiết tố Testosterone trong huyết thanh. Nhưng tình trạng này sẽ được cải thiện sau khoảng 18 tháng
- Người bệnh bị đau họng, buồn nôn, táo bón và đau nhức toàn thân, nhưng các triệu chứng này sẽ biến mất trong vòng 48 giờ
- Mất thời gian để tinh hoàn khôi phục khả năng sản xuất tinh trùng
Người bệnh nên báo ngay với bác sĩ khi nhận thấy có biểu hiện:
- Dấu hiệu xuất huyết dưới da với các vết bầm nghiêm trọng (màu đen và xanh)
- Người bệnh cảm thấy đau nhói hoặc sưng phồng xung quanh bìu
- Có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao hơn 38,3ºC; ớn lạnh; vùng bìu nóng, sưng, đỏ và đau
- Có mủ chảy ra từ vết mổ và các dấu hiệu bất thường khác
4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật như thế nào?
Sau khi thực hiện vi phẫu thuật tinh hoàn, các bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết cho bệnh nhân tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà cụ thể như sau:
- Chăm sóc vết thương
+ Bìu sẽ sưng đau trong 24-48 giờ và sẽ đỡ sau vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, chườm lạnh để chống sưng. Sau phẫu thuật 24 giờ, nên ngừng chườm lạnh. Giữ cho vết mổ sạch sẽ, khô ráo.
+ Sau 24 giờ phẫu thuật, người bệnh có thể được tháo băng, tắm rửa. Nhưng vẫn nên dùng các biện pháp hỗ trợ trong 3 ngày. Sau đó có thể mặc quần lót như bình thường.
- Sử dụng thuốc đúng và đủ
+ Bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giảm đau sau phẫu thuật tinh hoàn. Người bệnh nên thực hiện đúng theo chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng
+ Nếu có dùng các loại thuốc khác, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh tương tác thuốc
- Ăn uống hợp lý
+ Uống nhiều nước để cơ thể cảm thấy dễ chịu
+ Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng. Chọn thức ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo… Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng
- Sinh hoạt điều độ
+ Vận động nhẹ nhàng tùy theo tình trạng sức khỏe
+ Kiêng quan hệ tình dục (bao gồm cả thủ dâm) trong khoảng 3-4 tuần
Tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, sau mổ 6 giờ, bệnh nhân được Bác sĩ gây mê hồi sức đánh giá tình trạng ổn định và cho ra viện, dặn dò theo dõi tại nhà. Với những thành công bước đầu từ triển khai các kỹ thuật hiện đại này cùng với sự đi vào hoạt động của Ngân hàng tinh trùng và kinh nghiệm thụ tinh ống nghiệm - tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (IVF-ICSI) trong 10 năm qua, Khoa Hiếm Muộn BV Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng tự tin có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa các cặp vợ chồng đang gặp nhiều khó khăn, không may mắn trên hành trình tìm kiếm con yêu.
Một số hình ảnh thực hiện kỹ thuật vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh và từ tinh hoàn
Khoa Hiếm muộn
Ngày đăng: 22/08/2023